0

Những lý thuyết cơ bản của Yoga được nhà hiền triết Patanjali mô tả dưới dạng “tám bậc” hay “Astanga”. Ông đã trình bày rất hệ thống dưới dạng các câu châm ngôn,vạch ra những lý thuyết nền tảng của Yoga; đây là những bậc thang kế tiếp nhau trong cuộc hành trình của con người thông qua Yoga. Mỗi giai đoạn phải được hiểu thấu đáo và thực hành theo để đạt mục tiêu tối thượng cuối cùng là giải phóng “Cái tôi”.

Bốn giai đoạn đầu tiên (1 - 4) được xếp vào loại thực hành bên ngoài (External practices) và 4 giai đoạn sau (5 - 8) được xếp vào loại thực hành bên trong (Internal practices).


1. Yama: 

Những nguyên tắc đạo đức chung.

2. Niyama: 

Việc tự kiềm chế, đưa ra khuôn khổ hành vi nhằm điều chỉnh đạo đức và cách xử sự của con người.

Yama và Niyama đòi hỏi kỹ luật nội tâm mạnh mẽ. Yama giải thích các quy tắc đạo đức mà người ta phải tuân theo trong cuộc sống hằng ngày, gợi nhớ trong chúng ta những trách nhiệm của một thành viên trong gia đình, cộng đồng và trong xã hội.

Yama có 5 nguyên tắc
(1): Tính phi bạo lực (Ahimsa),
(2): Sự bất vụ lợi (Asteya),
(3): Tính trung thực (Satya),
(4): Sự trong sáng (Brahmacharya),
(5): Sự giải thoát khỏi những ham muốn (Aparigraha).

3. Asana: 

Các tư thế Yoga.

4. Pranayama: 

Kiểm soát hơi thở, khép tâm trí và cơ thể vào kỷ luật bằng các bài tập thực hành có lợi cho sức khỏe của thể xác, tâm sinh lý và trí não. Pranayama kiểm soát tinh thần, chế ngự những bản năng thấp hèn.

5. Pratyahara: 

Tách rời khỏi thế giới bên ngoài, kiềm chế cảm xúc từ nội tâm, ngăn cản các cảm xúc của giác quan và hành động khỏi những thỏa mãn bản năng.

Căn cứ theo Gheranda Samhita, một văn bản vào thế kỷ 15 của nhà hiền triết Gheranda thì “Thân xác rồi sẽ thối rửa giống như cái bình đất chưa nung bị ném vào trong nước. Hãy tẩy sạch thân xác và làm cho nó mạnh mẽ lên bằng cách nung nó trong ngọn lửa của Yoga”. Thực hiện một tư thế Asana sẽ phát sinh năng lượng. Giữ nguyên tư thế là tập hợp và phân phối năng lượng này; trong khi việc thoát ra khỏi tư thế là bảo vệ năng lượng, ngăn cản nó bị tiêu hao. Asana và Pranayama liên kết với nhau và đan quyện vào nhau. Chỉ nên bắt đầu luyện tập Pranayama khi đã nắm vững các Asana. Pranayama kiểm soát năng lượng thông qua hơi thở, gồm ba cử động - hít thật dài, thở ra thật sâu, giữ hơi thở lâu và ổn định. Pranayama là một quá trình đưa năng lượng vào bên trong, chuẩn bị tinh thần thích ứng với trạng thái Pratyahara, hay là sự tách biệt khỏi giác quan, tinh thần thoát ra khỏi quyền lực của giác quan. Khi đó tâm trí quay trở về bên trong và được giải thoát khỏi giác quan (ngũ uẩn), đó chính là Pratyahara.


6. Dharana: 

Sự tập trung, hướng tâm thức vào sự chú tâm ở một điểm.

7. Dhyana: 

Sự tập trung kéo dài, thấm nhập toàn bộ tâm trí và tận cội nguồn sự tồn tại, năng lượng trí tuệ và tâm linh hòa tan.

8. Samadi: 

Không còn gì tồn tại ngoài cốt lõi của sự tồn tại - Đó là giác ngộ.

Patanjali đã xếp Dharana, Dhyana và Samadi dưới cùng một thuật ngữ Samayama, là sự liên kết thân xác, hơi thở, tâm thức, trí tuệ và cái tôi. Một ý chí được kiểm soát có được trong giai đoạn Pratyahara là để tăng cường sự chú tâm của nó vào một ý nghĩ duy nhất trong trạng thái Dharana. Khi sự tập trung này kéo dài sẽ trở thành Dhyana. Ở trạng thái Dhyana, sự giải thoát, mở rộng, tĩnh lặng và an lạc sẽ được trải nghiệm. Trạng thái tĩnh lặng kéo dài này tách con người ra khỏi những níu kéo, họ dửng dưng với những niềm vui cũng như nỗi đau buồn. Trạng thái Samadi diễn ra khi cái biết, cái có thể được biết và cái đã được biết gộp lại. Đó là Samadi - trạng thái nhập định hoàn toàn, nó cũng có nghĩa là sự duy trì cân bằng của trí tuệ, đó là kết quả của môn Astanga Yoga. Con đường dẫn đến Samadi chính là chân lý và niềm hoan lạc.

Theo PGS.TS. Trần Thị Minh Diễm

Đăng nhận xét

 
Top