0

Bánh đúc lạc gạo lứt rất giàu dinh dưỡng, lạ miệng, không sử dụng vôi hay hàn the trong quá trình nấu đem lại hương vị tự nhiên và nhiều dinh dưỡng cho mọi người.

Nguyên Liệu:

Dầu ăn: 50ml (dầu mè, đậu nành...)

Bột gạo lứt huyết rồng (mua gạo tự nghiền là tốt nhất): 150gr

Bột năng hoặc sử dụng sắn dây: 100gr 

Nước: 700ml

Muối (tuỳ độ mặn nhạt của mỗi người)

Lạc: 100gr (tuỳ mỗi người muối ăn ít hay nhiều lạc)

Bánh đúc lạc làm từ gạo lứt
Bánh đúc gạo lứt
Cách làm:

Bước 1:

Cho lạc vào nồi nấu nấu chín vừa vừa với 700ml nước sau đó để nguội.

Bước 2. 

Dùng nồi to để quấy bánh đúc. Có thể dùng nồi cơm điện.

Cho vào nồi 150 gram bột gạo huyết rồng, 100 gram bột năng, ¼ thìa café muối và 700 ml nước.

Dùng thìa múc canh thìa quấy hoặc phới lồng quấy thật đều tới khi bột tan hết, có thể lọc qua rây để loại bỏ hoàn toàn bột vón cục. 

Để ngâm bột khoảng 1 – 1.5 giờ cho bột lắng xuống đáy. Nhẹ nhàng múc bớt phần nước trên mặt sang một bát khác. Dùng nước lạc để nguội ở bước 1 đổ vào nồi, quấy đều (nước ngâm cũ bỏ đi).

* Ghi chú:

– Việc ngâm bột và thay nước sẽ giúp bột nở mềm hơn, và loại bớt mùi bột khô. Nếu dùng bột xay từ gạo thì có thể bỏ qua bước này. Nhưng cần lưu ý lượng nước để không bị quá nhiều nước.

– Bánh đúc làm theo công thức này không sử dụng hàn the hay vôi nên cần sử dụng bột gạo để tạo độ cứng giòn và bột năng để tạo độ dai dẻo. Tỉ lệ bột gạo vào bột năng trong công thức là 3:2 cho bánh có độ giòn vừa phải. Càng nhiều bột năng, bánh sẽ càng dai, mềm và dẻo hơn, nhiều bột gạo, bánh sẽ cứng giòn hơn. Bên cạnh đó, lượng nước cũng quyết định độ mềm của bánh. Càng nhiều nước bánh sẽ càng mềm hơn. Như vậy, tuỳ theo khẩu vị mà bạn có thể điều chỉnh lượng bột năng, bột gạo và nước trong công thức, cụ thể.

Nếu muốn bánh giòn hơn có thể tăng lượng bột gạo (giữ nguyên lượng nước hoặc tăng một chút).

Nếu muốn bánh dẻo, dai, mềm hơn có thể tăng lượng bột năng (và tăng nước).

Nếu muốn bánh cứng hơn có thể giảm bớt nước.

Bước 3:

Bắc nồi bột lên bếp, cho lạc ở bước 1 vào nữa & để lửa ở mức vừa phải cho chín đều, dùng thìa canh quấy hoặc phới quấy đều liên tục trong quá trình nấu để hỗn hợp không bị bén đáy nồi. Sau khoảng 2~3 phút, khi hỗn hợp bắt đầu sệt và đặc dần lại, hạ lửa xuống mức thấp hơn.

* Lưu ý:

– Phải quấy liên tục, khá mỏi tay.

– Bột càng đặc lại, càng phải nhỏ lửa.

– Khi quấy bánh tốt nhất nên sử dụng phới lồng để hỗn hợp được mịn hơn

Bước 4:

Đến khi hỗn hợp rất đặc và bắt đầu mịn, sánh đặc, chỉnh lửa xuống mức thấp nhất của bếp, cho dầu ăn vào trộn đều.

Hỗn hợp ban đầu sẽ hơi lổn nhổn, tách thành mảng, nhưng sau khi trộn khoảng 1 phút sẽ mịn và đồng nhất trở lại. Hỗn hợp lúc này vẫn sẽ dính dẻo, kéo thành sợi dài và còn mùi bột sống. Bạn có thể cho thêm nước nếu thấy bánh quá đặc.

– Tiếp tục quấy ở mức lửa thấp nhất trong khoảng 5~10 phút đến khi bột bắt đầu trong. Hỗn hợp lúc này dẻo quánh, nhưng khi nhấc phới/đũa lên thì bột sẽ đứt thành đoạn, nếm thử không thấy vị bột sống nữa. Quan sát thấy hỗn hợp mịn, sánh đặc, quánh hết lại... hỗn hợp như vậy là đạt.Tắt bếp, bắc nồi khỏi bếp để ngăn không cho bột bánh bén đáy nồi. Đậy hé vung để bánh không bị khô mặt nếu chưa ăn ngay.

- Đổ hỗn hợp vào khay hoặc đĩa chờ nguội và đông lại là có thể cắt và ăn.

Chú ý: Nếu thích bánh đúc thường không lạc chúng ta bỏ qua bước nấu lạc.


Đăng nhận xét

 
Top